Socicial Insurance Organ Title

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tại cơ sở

Cập nhật: Thứ Sáu, 19/12/2014, 15:32

Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành và thực hiện BHXH, BHYT, ngày 18/12/2014, Lãnh đạo BHXH Thừa Thiên Huế đã trực tiếp tuyên truyền những quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT và Luật BHXH sửa đổi tại Hội nghị báo cáo viên cơ sở tổ chức tại Thành ủy Huế.

 Đồng chí Nguyễn Xuân Tiếu, Phó Giám đốc BHXH tỉnh trình bày các nội dung của Luật BHXH sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, gồm 09 Chương, 125 Điều, trong đó nhấn mạnh những điểm mới mang tính đột phá của Luật BHXH sửa đổi lần này. Về đối tượng tham gia, Luật mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến người lao có hợp đồng lao động từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, người đi làm việc theo quy định của pháp luật; người  lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà trước đó chưa tham gia BHXH bắt buộc được tham gia đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Về quyền của người lao động, thay đổi cơ bản và lớn nhất là quy định người lao động được quản lý sổ BHXH của mình trong thời gian đóng BHXH để theo dõi quá trình đóng - hưởng BHXH, hằng năm được cơ quan BHXH xác nhận thời gian đóng BHXH. Ðây là cơ sở quan trọng để người lao động đối chiếu, giám sát trách nhiệm đóng BHXH của người sử dụng lao động. Luật còn bổ sung một số quyền khác như quyền được hưởng BHYT trong thời gian nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi và nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày. Về chế độ, chính sách BHXH, nhìn chung các thay đổi đều hướng đến tính nhân văn, nhân đạo và bảo đảm công bằng xã hội. Các thay đổi lớn và cơ bản nhất chủ yếu tập trung ở hai chế độ: thai sản và hưu trí. Điều đặc biệt trong Luật BHXH sửa đổi lần này là nam giới được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để chăm sóc gia đình khi vợ sinh con với nhiều mức hưởng khác nhau tùy theo số con được sinh, phương thức sinh và cũng lần đầu tiên Luật quy định mang tính nguyên tắc về quyền hưởng chế độ thai sản đối với người mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ. 

Theo đó, một số điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT hướng tới mục tiêu đáp ứng yêu cầu, tạo thuận lợi và khuyến khích đông đảo nhân dân tham gia. Luật lần này quy định BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc tham gia được áp dụng đối với các đối tượng theo quy định của Luật. Đây là một điểm mới nhằm thúc đẩy thực hiện BHYT toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị. Đồng thời khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình nhằm tăng nhanh diện bao phủ. Để đảm bảo sự bình đẳng giữa các đối tượng trước pháp luật và thống nhất việc quản lý, tổ chức thực hiện chính sách BHYT trong hệ thống, trong Luật BHYT sửa đổi lần này lực lượng công an, quân đội là đối tượng phải tham gia BHYT. 

Luật cũng bổ sung thêm đối tượng đang sinh sống tại vùng kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn được ngân sách nhà nước mua thẻ BHYT. Với trẻ dưới 6 tuổi, Luật quy định trẻ dưới 6 tuổi được quỹ BHYT chi trả cho điều trị lác, cận thị, tật khúc xạ của mắt. Trong trường hợp trẻ đủ 72 tháng chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT sẽ có giá trị đến ngày 31- 9 của năm đó, tạo điều kiện cho trẻ được chăm sóc sức khỏe đến khi thẻ hết hạn. Luật cũng bổ sung trách nhiệm của UBND xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT đồng thời với việc cấp giấy khai sinh cho trẻ. Đây là quy định nhằm giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế với một số đối tượng như: người có công, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người thuộc diện bảo trợ xã hội, người mắc bệnh nặng, bệnh mạn tính do không có khả năng chi trả cũng như tính phức tạp trong việc tổ chức thực hiện. 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quan tâm nhiều đến quyền lợi của người tham gia BHYT như: bỏ quy định cùng chi trả 5% với người nghèo, dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; Bỏ quy định cùng chi trả 20% với thân nhân người có công là cha mẹ đẻ, hoặc vợ (chồng), con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân của người có công khác và người cận nghèo./.
                                                                                                         Phạm Thị Dung
 

Đăng nhập mạng nội bộ

Số lượt truy cập: 3455778

Đường dây nóng (Hotline): 0234.3 933 983