Socicial Insurance Organ Title

“Bảo hiểm xã hội vì tương lai của bạn”

Cập nhật: Thứ Tư, 22/4/2015, 8:42

Trước sự việc một số công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh đình công có kiến nghị giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần như hiện hành, đã có nhiều ý kiến và quan điểm của các chuyên gia, nhà quản lý xung quanh nội dung này, Trang Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam trích đăng quan điểm của Trưởng Ban Tuyên truyền Kiều Văn Minh về nội dung này:

Chính sách mang tính nhân văn, nhân đạo 

Thứ nhất,  BHXH là đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần khi bị mất thu nhập cho người lao động (NLĐ) ổn định cuộc sống đối với những trường hợp do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp (TNLĐ- BNN), tuổi già và khi chết. Đây là chính sách mang tính nhân văn, nhân đạo và tính xã hội rất cao...
Thứ hai, chính sách BHXH của Việt Nam quy định như hiện nay mặc dù chưa được  hoàn hảo như một số nước phát triển, nhưng chính sách này được xây dựng khá toàn diện cũng đã hướng đến mục tiêu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của NLĐ; hỗ trợ một phần khó khăn khi NLĐ mất việc làm; đảm bảo cuộc sống ổn định khi  tuổi già, cơ bản đáp ứng được cuộc sống tối thiểu của họ.
Có thể nói, chính sách BHXH, BHYT và BH thất nghiệp giống như “kiềng 3 chân” nhằm bảo vệ, giúp đỡ toàn diện cho NLĐ, Cụ thể, BHYT, giúp cho NLĐ trong quá trình lao động bị ốm đau, bệnh tật phải đi KCB; BH thất nghiệp, khi NLĐ bị mất việc làm thì có tiền trợ cấp thất nghiệp, hoặc được hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề để quay lại thị trường lao động; BHXH, là hướng đến mục tiêu an sinh xã hội lâu dài, khi NLĐ hết tuổi lao động có đóng BHXH thì được hưởng lương hưu, và họ được cấp thẻ BHYT để chăm sóc sức khỏe (mà không phải đóng phí BHYT); Khi về già  NLĐ từ trần thì thân nhân của họ được nhận tiền mai táng phí, và tiền tuất một lần hoặc tuất hằng tháng.
Đơn cử như, trong chúng ta, nếu ai có bố, mẹ hoặc người thân ở nông thôn hiện đang được hưởng chế độ "Hưu trí" thì sẽ thấy rõ những ưu điểm đó. Những ưu điểm về chính sách này được thể hiện ở một số khía cạnh như sau:  một là, họ độc lập về kinh tế không hề phụ thuộc vào con cái; ha ilà, có vị thế trong xã hội, được người dân nể trọng (làng-xóm); ba là, họ có mức sống cao hơn so với nhiều đối tượng trong làng xã (không so với thị thành); bốn là, được cấp thẻ BHYT mà không phải đóng tiền; năm là, khi chết thân nhân được nhận tiền mai táng phí, nhiều trường hợp được giải quyết "Hậu" của chế độ hưu gọi là tuất...
Chính do có sự so sánh này mà năm 2002, (khi chưa ban hành Luật BHXH) thì nhiều NLĐ ở khu vực ngoài nhà nước, nhất là khu vực HTX chưa được tham gia BHXH đã kiến nghị với nhà nước cần phải mở rộng đối tượng để được tham gia. Khi đó, truyền thông, báo chí, các cơ quan ngôn luận đã vào cuộc để đăng tin,viết bài, đấu tranh cho NLĐ ở khu vực này được tham gia BHXH. có một tờ báo đã đã thực hiện một số phóng sự điều tra tại tỉnh Phú Thọ, về những NLĐ có nhận thức đầy đủ về chính sách BHXH đã có những câu bóng gió rằng "Cuộc sống không có BHXH chả khác gì đi cầu thang không có tay vịn", thế rồi thông tin được lan truyền và từ đó NLĐ trong các HTX tín dụng cũng nộp đơn  xin được tham gia. Có anh thương binh nọ là chủ nhiệm HTX tín dụng xã Nghi Hoa ( Nghệ An) đã lặn lội ra tận Hà Nội để đề nghị cho NLĐ thuộc HTX của mình được đóng BHXH, khi đó cán bộ cơ quan BHXH phải nói với anh rằng chúng tôi xin thông cảm và chia sẻ với NLĐ ở HTX của anh, vì họ cũng như người thân của chúng tôi khi họ có nhận thức đúng về tính nhân văn, tinh nhân đạo, về sự đảm bảo cuộc sống của họ khi tuổi già nên họ muốn được tham gia, nhưng do chưa có văn bản quy định nên chúng tôi không giải quyết được. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm kiến nghị với Nhà nước để đưa những đối tượng này vào Luật để họ là đối tượng tham gia, để khi về già họ được hưởng chế độ "Hưu trí và tử tuất". Đến năm 2006, Luật BHXH ban hành đã là hiện thực... đến nay Luật BHXH sửa đổi đã mở rộng và nâng quyền lợi của người tham gia nhưng vẫn có một số người chưa hiểu rõ nên kiến nghị vẫn giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần như hiện hành. 
 
 
Cuộc sống không có BHXH chẳng khác gì đi cầu thang không có tay vịn 
(Ảnh minh họa)
 
Tuy nhiên, theo Điều 60, Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã quy định điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần tương đối chặt chẽ; hạn chế NLĐ nhận trợ cấp BHXH một lần, nhằm để cộng dồn thời gian đóng BHXH, giúp sau này NLĐ có đủ điều kiện nhận lương hưu hàng tháng. Mục tiêu mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua Điều 60, Luật BHXH (sửa đổi) là: 
Thứ nhất, nhằm tăng cao số NLĐ được tham gia BHXH để khi về già được hưởng lương hưu nhằm ổn định cuộc sống cho họ và ổn định xã hội. Khi thảo luận về dự thảo Luật, Quốc hội thống nhất cao với Tờ trình số 28 của CP về bỏ quy định BHXH một lần tại Điều 55 Luật BHXH năm 2006 (hiện vẫn có hiệu lực đến hết ngày 31/ 12/2015).
Đề xuất này của Chính phủ là sự tổng kết 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2006. Trên cơ sở số liệu thực tế, cách tính bình quân giai đoạn 2007- 2012, trong tổng số hơn 4 triêu người được giải quyết chế độ BHXH thì có hơn 3,6 ngừoi, (chiếm khoảng 80%) hưởng chế độ BHXH một lần, bình quân hằng năm, có khoảng 500.000 người hưởng BHXH một lần, con số này có xu hướng gia tăng và chỉ có khoảng 20% là hưởng lương hưu hằng tháng. 
Thứ hai, việc thể chế hóa quan điểm của Đảng và Điều 34 của Hiến pháp "công dân có quyền được đảm bảo ASXH" như vậy Luật BHXH (sửa đổi) lần này là để bảo vệ quyền được hưởng chế độ hưu trí cho NLĐ đông hơn, lớn hơn so với Luật BHXH năm 2006 hiện hành. Quan điểm của Chính phủ và Quốc hội mong muốn đạt được mục tiêu này, nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho mọi NLĐ để ổn định xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 của BCH Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012- 2020; Kết luận số 63-KL/TW tại Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; và Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020. 
Trước những năm 1975, khi còn là học sinh THPT được nghe một số người đi công tác tại một số nước thuộc khối CNXH trở về kể rằng, NLĐ ở đó nếu có nhu cầu làm việc ở bất cứ cơ quan, đơn vị hay doanh nghiệp (trong hay ngoài Nhà nước) cũng đều được chấp thuận. Khi là cán bộ làm việc tại ngành tài chính nhưng hiểu về BHXH vẫn lơ mơ là tại sao các nước làm được như vậy mà Việt Nam thì không. Mãi cho đến năm 1995 khi chuyển về làm việc tại cơ quan BHXH thì mới hiểu ra rằng đó là có chế độ BHXH liên thông, phương thức cộng dồn thời gian cho dù NLĐ làm việc ở bất kỳ loại hình DN nào, cho dù  quá trình có đứt đoạn, khi có việc làm trở lại đều được cộng dồn cho đủ thời gian để nghỉ hưởng chế độ "Hưu trí và tử tuất"..
Thứ ba, vừa qua, một số NLĐ do chưa nhận thức đầy đủ và cho rằng, Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi) làm khó cho họ, nên đã có kiến nghị được giữ nguyên quy định về điều kiện hưởng trợ cấp BHXH một lần như hiện hành. Vậy, thực hiện Điều 60 này thì NLĐ sẽ được hưởng lợi gì?
Trong thời gian qua, thực tế cho thấy có rất nhiều NLĐ sau khi nhận BHXH một lần theo luật hiện hành thì nay chính họ lại mong muốn được hoàn trả Quỹ BHXH số tiền đã nhận đó để tiếp tục được đóng BHXH (kể cả đóng BHXH tự nguyện) cho đến khi đủ điều kiện được hưởng lương hưu hằng tháng. Nhưng điều này là không thể. Bởi vì, pháp luật không quy định hồi tố.
Mặt khác, về bài học đắt giá của những người đã nghỉ hưởng chế độ BHXH một lần theo Quyết định 176/HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đầu những năm 1990 vẫn còn hiện hữu. Khi đó, cuộc sống rất khó khăn, cơ chế phá rào vừa mở ra nhiều người có suy nghĩ rằng mình có 500 đến 1 triệu đồng trong tay về buôn bán là đủ cho cuộc sống nên đã nhận trợ cấp BHXH một lần. Nhưng rồi cuộc sống không phải lúc nào cũng thuận chiều, rất nhiều người không những không buôn bán được gì mà còn mất hết cả vốn. Có thể nói, nhiều người khi nhận thức ra vấn đề đã viết đơn xin được nộp lại số tiền này để được tham gia tiếp BHXH, để  cộng dồn thời gian tham gia cho đến khi đủ điều kiện được hưởng lương hưu hàng tháng, như trên đã nêu điều này là không thể.
 
Giải pháp căn cơ, lâu dài
 
Vì vậy, khi thiết kế Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi), các trường hợp được hưởng BHXH một lần đã thu hẹp và chỉ ưu tiên giải quyết những trường hợp cá biệt khi NLĐ  bị mắc các bệnh nguy hiểm đến tính mạng (ung thư, bại liệt, sơ gan cổ trướng, phong, lao, HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và một số bệnh do Bộ Y tế quy định), Luật không cấm mà điều cốt lõi ở đây là bảo vệ quyền lợi cho chính họ, thật nhân văn... mục đích là để tăng số NLĐ được hưởng chế độ hưu trí, bảo đảm an sinh lâu dài cho họ để ổn định xã hội. 
Chúng ta cần hiểu thêm quy định tại Điều 61, Luật BHXH 2014, cho phép NLĐ đang bảo lưu, được đóng BHXH nhiều lần, đóng ở nhiều nơi, nhiều khu vực tham gia khác nhau (bao gồm cả đóng BHXH tự nguyện), đối với nhưng giai đoạn gián đoạn vẫn được cộng dồn cho đến khi đủ điều kiện nhận chế độ "Hưu trí" hằng tháng. Các trường hợp trong thời gian bảo lưu nếu NLĐ có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để tiếp tục đóng BHXH.
Ngoài ra, khi chưa nhận chế độ BHXH một lần, trong thời này nếu không may NLĐ từ trần thì thân nhân của họ được nhận tiền trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở; được hưởng cả trợ cấp tuất một lần hoặc tuất hằng tháng, theo tính toán nó có thể bằng hoặc còn lớn hơn mức BHXH một lần.
Những ngày qua, nhiều NLĐ kiến nghị Chính phủ tiếp tục cho hưởng chính sách BHXH một lần như Luật BHXH 2006 hiện hành. 
Trước hết, chúng tôi xin được chia sẻ và đồng cảm với những NLĐ này là do điều kiện cuộc sống hiện nay của họ đang thật sự khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng là NLĐ đang làm việc khi về già cũng thụ hưởng chế độ hưu như mọi NLĐ khác, nhưng lúc này được giao nhiệm vụ nghiên cứu, tham gia thiết kế chính sách BHXH thì tôi xin nhấn mạnh rằng: BHXH là trụ cột chính của chính sách an sinh xã hội, BHXH như “của để dành”, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho NLĐ khi về già ( nội dung này không BH thương mại nào có được). Bởi vì, khi mỗi ngừoi đang làm việc thì người SDLĐ phải đóng 14% trên quỹ tiền lương, còn NLĐ chỉ đóng 8% mức tiền lương để được hưởng cả 2 chế độ " Hưu trí và tử tuất" vậy sao lại xin hưởng trợ cấp một lần.
Như vậy, Luật BHXH (sửa đổi) lần này là hướng tới mở rộng đối tượng, bảo đảm an sinh xã hội dựa trên nguyên tắc “đóng- hưởng” và có sự chia sẻ. BHXH không vì lợi nhuân, được Nhà nước bảo hộ và quản lý chặt chẽ theo nguyên tắc bảo tồn và tăng trưởng quỹ (an toàn và tính thanh khoản nhanh). Còn một  vấn đề quan trọng khác, đó là Luật còn quy định, trường hợp NLĐ tham gia BHXH bắt buộc khi đang hưởng lương hưu, nhưng mức lương hưu hằng tháng thấp hơn mức lương cơ sở thì được điều chỉnh để hưởng ít nhất bằng mức lương cơ sở ( tại thời điểm này là 1.150.000 đồng),quy định tại Khoản 5, Điều 56. Cụ thể hơn, giai đoạn 2013-2014 đời sống của người về hưu còn khó khăn, Nhà nước đã điều chỉnh tăng thêm 8% lương hưu cho tất cả nhữg người đang hưởng lương hưu. Trong khi đó người đương chức chỉ điều chỉnh cho những đối tượng có mức lương thấp hơn 2,34. Hoặc năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 613/QĐ-TTg về trợ cấp hằng tháng cho những NLĐ đã nghỉ chế độ 176/TTg  có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm công tác thực tế mà đã hết thời hạn hưởng trợ cấp mất sức lao động. Mức trợ cấp hằng tháng hiện nay được hưởng là 790.000 đồng, tuy số tiền này chưa cao nhưng đã tạo sự phấn khởi, yên tâm đối với những người này. Bởi vì, ngoài tiền trợ cấp hằng tháng thì họ còn được hưởng BHYT mà không phải đóng tiền mua thẻ và khi qua đời, thân nhân còn được hưởng tiền mai táng phí theo quy định của luật BHXH.
Thứ tư, Chính phủ đã có kiến nghị Quốc hội cho sửa Điều 60 Luật BHXH (sửa đổi) theo hướng cho phép NLĐ được lựa chọn nhận BHXH một lần hoặc để chờ cộng dồn thời gian đóng BHXH. 
Theo đó, Chính sách BHXH một lần quy định trong Luật BHXH (sửa đổi) được thiết kế theo hướng đảm bảo tốt hơn về quyền lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường lao động ở nước ta đang trong quá trình hoàn thiện; đời sống của một bộ phận NLĐ, đặc biệt là lao động ở một số KCN có khó khăn; tiền lương tối thiểu ở khu vực DN được chia theo 4 vùng chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của họ (mới đáp ứng khoảng 70%), mặt khác NLĐ làm việc trong các KCN chủ yếu là người từ khu vực nông thôn của các tỉnh dịch chuyển đến, họ có tư tưởng chỉ làm việc một số năm rồi trở về quê tiếp tục lập nghiệp.
Vì vậy, việc họ muốn nhận chế độ BHXH một lần để có tiền giải quyết khó khăn tức thì, duy trì cuộc sống trước mắt là một nguyện vọng chính đáng. Chúng tôi cho rằng, Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa Điều 60 để NLĐ được quyền linh hoạt lựa chọn của một bộ phận NLĐ cũng căn cứ vào thực tiễn nêu trên.
Thế nhưng, nếu chỉ giải quyết cho NLĐ nhận chế độ BHXH một lần thì theo tôi, đó mới chỉ là giải pháp tình thế, chưa hẳn là giải pháp căn cơ, lâu dài. Như đã nói ở trên, nếu để giải quyết những khó khăn tạm thời khi NLĐ khi mất việc thì Luật BHXH cũng đã có chế độ trợ cấp BH thất nghiệp. Cho nên, vấn đề quan trọng giải quyết lúc này là chủ SDLĐ cần phải trả cho NLĐ mức lương thỏa đáng, đủ để họ đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hằng ngày và tái tạo được sức lao động; đồng thời, đảm bảo cho họ có một phần tích lũy. Để những trường hợp khi NLĐ mất việc, thì cùng với trợ cấp thất nghiệp họ vẫn có nguồn tài chính để duy trì cuộc sống hoặc được đào tạo lại nghề để tìm kiếm việc làm mới.
Còn khoản đóng BHXH này được coi là “của để dành”, phòng xa cho cuộc sống sau này của NLĐ khi hết tuổi lao động. Khi đó, họ có lương hưu hằng tháng, họ có cả chế độ BHYT, thì sẽ không trở thành “gánh nặng” cho ngân sách nhà nước phải chi cho đối tượng bảo trợ xã hội như hiện nay.
Chúng tôi mong rằng, NLĐ cân nhắc thật kỹ khi quyết định lựa chọn chế độ BHXH một lần hãy cố gắng tìm những biện pháp để về lâu dài có đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí khi hết tuổi lao đông, như vậy sẽ tránh được rủi ro khi tuổi già, nghĩa là vì tương lai của mình! 
(Còn nữa)
Minh Kiều
 

Đăng nhập mạng nội bộ

Số lượt truy cập: 3455662

Đường dây nóng (Hotline): 0234.3 933 983